Gỡ bỏ cái TÔI luôn hiện hữu

Cái TÔI luôn hiện hữu
Cái TÔI luôn hiện hữu

Một bà mẹ bằng mọi giá phải cho con mình đỗ vào trường chuyên. Khi dò tên con trên bảng kết quả, mãi bà vẫn không tìm được tên con mình, bà hoàn toàn sụp đổ. Bà cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì không thể tin rằng đứa con yêu quý, thông minh, chăm chỉ của mình lại trượt trong kỳ thi tuyển sinh đó. Bây giờ phải làm sao đây? Bây giờ phải đối diện thế nào đây? Bây giờ sẽ trả lời như thế nào khi bạn bè, họ hàng, người thân hỏi thăm về kết quả?

Bà bắt đầu nghĩ ra lý do, bà đổ lỗi cho hoàn cảnh, bà đổ lỗi cho nhà trường đã đổi format đề thi, bà đổ lỗi cho thầy cô ôn luyện không sát, rồi bà còn đổ lỗi cho cơn sốt của con trước kì thi nữa, blah blah…

Người mẹ này không nhận ra rằng bà đã đã biến toàn bộ sự việc thành vấn đề của chính bản thân mình. Như thể sự thất bại của con trong kỳ thi tuyển đó đang là minh chứng cho khả năng của chính bà. Bà đang không tách biệt được bản thân mình với sự kiện thi trượt của con. Dường như chính bà là người đang phải gánh chịu thất bại đó, phải đối mặt với tất cả sự mỉa mai đánh giá của mọi người xung quanh. Bà lo sợ chính mình sẽ bị công kích, chê bai, coi thường… Bà tìm cách trốn tránh, đổ lỗi, biện minh.

Thay vì nhìn nhận thẳng vào vấn đề, vào thực tại khách quan rằng con bị trượt một kỳ thi, rằng đó là một lần vấp ngã, một lần thất bại, thay vì cùng con đối diện và vượt qua nó, rút tỉa kinh nghiệm cho những lần thi sau, thì bà lại hướng con mình phụ thuộc vào những đánh giá, những nhìn nhận của mọi người xung quanh – vốn chẳng giúp ích được gì cho sự việc này cả.

Thực tế thì bà mẹ đó, và cả chúng ta nữa vẫn đang thường xuyên bị rơi vào cái bẫy, là để cho ấn tượng về giá trị của bản thân lẫn lộn với thực tế khách quan của sự kiện đang diễn ra. Đâu là sự chi phối bởi cảm xúc, đâu là tình thế trước mắt cần được đối diện và xử lý, ta không đủ tỉnh táo để phân biệt rõ ràng. Để rồi từ đó mọi việc cứ rối tung lên, bị cuốn đi theo những cách hành xử thật tầm thường và nông cạn.

Chẳng ai muốn mình bị coi là kém cỏi. Bà mẹ kia không muốn mình trở thành kẻ kém cỏi trong mắt người khác, rằng mình là bà mẹ không biết nuôi dạy con thành tài. Bất kỳ khi nào nhận thấy rằng mình kém cỏi hơn một hình ảnh kỳ vọng vô hình nào đó, bản thân sẽ cảm thấy bất an, sẽ thấy mình thất bại trong mắt của người khác. Và rồi những hành xử của chúng ta sẽ bị cuốn theo vòng quay của cảm xúc, mãi không tìm được lối ra.

Câu chuyện về bà mẹ và sự kiện đứa con thi trượt đó đã gợi lại cho mình khái niệm về Cái tôi đang tồn tại bên trong mỗi con người.

Vậy cái tôi là gì? Có nhiều định nghĩa về cái tôi, có những khái niệm về cái tôi tích cực và tiêu cực, có những góc nhìn khác nhau. Trong câu chuyện này, cái tôi mình muốn nói đến là hình tượng mà mỗi người đang hình dung trong đầu về bản thân – một hình ảnh mà chúng ta luôn ôm ấp, tô vẽ, vun bồi. Mỗi người chúng ta đều lớn lên với một hình tượng như thế. Nó phôi thai ngay từ khi chúng ta vừa chào đời, và lớn dần lên khi ta bắt đầu có những tương tác với xung quanh, với ba mẹ, với người thân, với bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, với xã hội, tất thảy…

Thực tế thì cái tôi này lại được gầy dựng nên từ ý kiến của người khác. Ta vô thức mặc nhiên tin rằng con người ta chính là như thế. Những ấn tượng đó che phủ bản chất thực sự của ta. Cái tôi, được định hình từ thời thơ ấu, để rồi đa phần chúng ta sẽ bám chặt lấy nó, suốt cả cuộc đời. Chính từ cái tôi, bản thân mỗi người ngày ngày tự dựng lên cho mình những tấm mặt nạ, ngày ngày tự mình ôm ấp, tô vẽ, vun bồi cho những hình tượng tròn trịa, hoàn hảo, tốt đẹp – để đối diện với thế giới. Để rồi một ngày ta nhận ra rằng, đó không còn là chính ta nữa.

Có một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi được hỏi: “Làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ?”. Ngài trả lời ngắn gọn: “Hãy thành thật với chính mình”.

Thành thật với chính mình, nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng thực tế thì rất khó để có thể làm được. Đôi khi, chúng ta còn không thể nào nhận ra là chúng ta đang lừa dối, lừa dối người khác, và lừa dối chính ta. Chúng ta không thể nào gỡ bỏ tất cả những tấm mặt nạ đã được dựng lên. Nói khác đi, chúng ta không thể nào gạt bỏ cái tôi của mình xuống.

Khi ta gạt bỏ được cái tôi của mình xuống, ta không mang theo bất cứ kỳ vọng nào đối với người khác, không sợ hãi và không bị ám ảnh bởi cảm giác thua kém, tội lỗi, thất bại. Đó là khi chúng ta sẽ có được sự tự do tuyệt đối. Khi đó ta sẽ trở về với sự hiện hữu đích thực của chính bản thân mình, ta tự tin và bản lĩnh đối diện với thực tại khách quan xung quanh mình.

Bà mẹ đó, nếu gạt bỏ được những suy nghĩ về sĩ diện, về sự thua kém, về những lời dèm pha, bà sẽ không cần những lý do, những biện minh để bào chữa. Khi có thể “thành thật với chính mình”, bà sẽ cùng con trở về với thực tại đang hiện hữu, rằng con bà vừa thất bại trong một kỳ thi, cũng như rất nhiều những đứa trẻ khác không có tên trên bảng ghi danh đó. Thất bại trong một kỳ thi, không có nghĩa là tất cả mọi cuộc thi về sau con đều không thể nào vượt qua. Thất bại một kỳ thi, nó chỉ là một bài học, một kinh nghiệm, một trải nghiệm cần vượt qua trong đời, chỉ đơn giản vậy thôi.

Bạn có nhận ra rằng, bất kỳ thời điểm nào khi sự tức giận, kiểm soát, áp đặt, sự mất bình tĩnh, lo âu hay sợ hãi trỗi lên, đó chính là khi cái tôi trong chính con người mình đang hiện hữu. Ta quên đi thực tại ngay lúc này, ta bị cuốn theo một hình ảnh, một kỳ vọng mơ hồ nào đó, từ chính những định kiến và góc nhìn của mọi người xung quanh, từ chính những tấm mặt nạ mà ta đã dày công dựng nên. Và điều đó khiến cho bản thân mất đi sự bình an nội tại.

Cái tôi, chính là sự dính mắc mù quáng vào hình ảnh ta tưởng tượng về mình, một bức tranh ta luôn mang theo trong tâm trí. Chính nó chi phối toàn bộ cách ta tư duy, suy nghĩ, chi phối cảm xúc và hành động của chúng ta. Với bà mẹ kia, hình ảnh về một người mẹ tài giỏi, một đứa con toàn diện thành tài có lẽ là một cái tôi như vậy.

Thoát ra khỏi cái tôi, chắc chắn là một hành trình dài. Trên hành trình đó, công cụ hữu hiệu và duy nhất đó chính là “thành thật với chính mình”. Khi thành thật với chính mình, bạn sẽ từng bước  thấu hiểu bản chất con người mình, thấu hiểu thực tại khách quan, chấp nhận bản thân và chấp nhận sự hiện hữu đích thực đang tồn tại xung quanh. Bạn không bị chi phối hay dính mắc vào một hình ảnh, một hình mẫu tưởng tượng nào đó. Bạn gỡ dần những tấm mặt nạ, rồi bạn sẽ vượt qua tất cả những tức giận, kiểm soát, áp đặt, sự mất bình tĩnh, lo âu, hay sợ hãi…

Và rồi bạn sẽ có được Bình an tuyệt đối từ bên trong!

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ