Mỡ: Mẹ có quan tâm con không?
Mẹ: Mẹ lúc nào cũng quan tâm đến cục vàng này của mẹ cả con trai ạ.
Mỡ: Lúc mẹ chăm sóc Anne thì mẹ có quan tâm gì đến cục vàng này không ạ?
Mẹ: ….
Tôi nhớ lại đoạn đối thoại của hai mẹ con lúc trưa, những câu hỏi rất đỗi hồn nhiên của con thôi nhưng khiến tôi không khỏi bất ngờ và bối rối. Một đứa trẻ bốn tuổi có thể suy nghĩ và nói ra những điều như vậy sao?
Ngồi ngẫm lại một quá trình, từ lúc Anne còn trong bụng mẹ cho tới nay – khi em gái gần được 1 tuổi, tôi cố gắng đặt mình vào tâm tư và suy nghĩ của một đứa trẻ bốn tuổi. Nhờ đó, tôi đã ngộ ra được nhiều điều quý giá.
Nhớ lại thời điểm lúc sinh Anne, cũng là lúc dịch bệnh ở Sài Gòn đang căng thẳng, bệnh viện chỉ cho một người thân được phép vào chăm sản phụ. Trong suốt một tuần đấy cu cậu phải ở nhà với bà và không được gặp mẹ. Nhưng thay vì mè nheo vòi mẹ, cu cậu chỉ xin được vào viện chăm sóc cho em gái bé nhỏ (Chắc có lẽ trước đó nhờ tôi đã đọc cho con nghe cuốn sách “Asha và em gái bé nhỏ” rất nhiều lần).
Trong ứng xử hằng ngày, hai vợ chồng tôi cũng luôn cố gắng tạo một không khí gia đình đầy yêu thương và ấm áp. Ngày ngày, cu cậu vẫn lăng xăng đòi phụ mẹ thay bỉm cho em, đòi được giúp mẹ tắm cho em, cùng mẹ ru em ngủ… Mỗi khi có ai đó nói đùa rằng sẽ xin em bé về nuôi (kiểu bông đùa của các bà các mẹ), cu cậu sẽ thể hiện sự khó chịu ra mặt.
Về cơ bản, cu cậu là một ông anh khá hiểu chuyện, và biết yêu thương em.
Tuy nhiên đoạn đối thoại giữa 2 mẹ con trưa nay đã khiến tôi phải giật mình. Có vẻ như, đâu đó trong tâm thức, cu cậu vẫn tồn tại những bất an với việc không thể độc chiếm tình yêu của ba mẹ, đặc biệt là của mẹ.
Nhiều tài liệu có nhắc đến hiện tượng trẻ nũng nịu trở lại khi ba mẹ có thêm em bé, kể cả những trẻ đã vào bậc tiểu học, và đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, những tín hiệu hoàn toàn lành mạnh. Chỉ có những đứa trẻ giàu cảm xúc mới có sự so sánh và đòi hỏi tình yêu thương từ cha mẹ như vậy. Vợ chồng tôi hoàn toàn ý thức được chuyện này. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể, giống như hoàn cảnh của tôi trưa nay, điều gì các bậc cha mẹ như tôi mong muốn nhất lúc đó? Ngay lúc đó, tôi chỉ mong sao con hãy lập tức vui vẻ trở lại, và trở nên hiểu chuyện trở lại mà thôi. Tôi vẫn biết cách hành xử tốt nhất của chúng ta phải là cố gắng tiếp xúc nhẹ nhàng với trẻ, hãy để con được là đứa trẻ với những suy nghĩ tự nhiên vốn có đúng với lứa tuổi của mình. Nhưng quả thật điều này là không dễ.
Bản chất của con người luôn tồn tại những so sánh, so sánh mọi thứ xung quanh, so sánh với chính bản thân mình. Đặc biệt ở lứa tuổi này của con trẻ, sự quan sát và so sánh là vô cùng nhạy bén. Rất có thể, khi nhìn thấy ngày ngày mọi người nâng niu và chiều chuộng em bé, cu cậu chỉ đơn thuần muốn kiểm tra xem hồi còn nhỏ mình có được yêu chiều như vậy không? Chỉ vậy thôi. Lúc này, có lẽ một cái ôm âu yếm, một lời nói yêu thương từ ba mẹ sẽ là liều thuốc thần tiên mà cu cậu mong muốn được uống vào.
Nếu chịu khó quan sát, thỉnh thoảng cu cậu cũng có nhiều hành động nũng nịu, và cả cáu kỉnh nữa. Buổi trưa khi ngủ dậy, cu cậu thường gào khóc rất to, đòi cả ba và mẹ vào cùng thì mới chịu dậy. Mỗi lần tôi đi mua bỉm hay đồ ăn dặm cho Anne, cu cậu lại thường giãy nãy và cau có: “Còn con thì sao? Có mua gì cho con không?” Hay thi thoảng cu cậu lại mè nheo với mẹ rằng “con buồn, có ai chơi với con không ạ?”…
Khi bỗng nhiên nhận ra tất cả sự yêu thương, quan tâm cũng như thời gian ba mẹ không còn chỉ dành riêng cho mình nữa – điều đó đồng nghĩa với việc cu cậu sẽ nhận ra rằng thế giới hiện thực có rất nhiều điều diễn ra không giống như mình mong muốn.
Sự nũng nịu hay cáu kỉnh này có lẽ là sự kỳ vọng mà cu cậu đặt vào ba mẹ mình. Việc chấp nhận sự nũng nịu này là điều vô cùng quan trọng. Theo tôi, nó sẽ là nền tảng của sự tin cậy vào xã hội, sự an tâm vào thế giới sau này. Nếu chịu khó nhìn rộng ra một chút, thì đây thực sự là một quá trình quan trọng để xây dựng niềm tin cho trẻ: “thật tuyệt vời khi mình được sống trong thế giới này, thế giới này là một nơi đẹp đẽ biết bao”. Ở thời điểm hiện tại, thông qua những hành động, lời nói nũng nịu như vậy, có lẽ cu cậu chỉ muốn xác nhận rằng ba mẹ vẫn rất yêu thương mình, và mong muốn một số điều được theo ý của mình, chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu được ba mẹ quan tâm và nói những lời yêu thương, động viên, trẻ sẽ dần dần xây dựng được niềm tin rằng “Cứ là chính mình cũng không sao cả”. Đây là niềm tin vô cùng quý giá, trẻ sẽ không thể học được từ người khác, chỉ có thể rút ra từ chính trải nghiệm của bản thân mình. Người lớn chúng ta không phải đều mong muốn được sống là chính mình hay sao? Nhưng mấy ai dám sống với chính mình, và mấy ai làm được như vậy?
Việc có thêm em bé đối với con là một điều tuyệt vời. Con sẽ dần học được cách biết yêu thương, chia sẻ, và cả chăm sóc em bé. Nhưng hãy để những điều này diễn ra một cách nhẹ nhàng, và nó được xây dựng dần dần theo thời gian. Không thể nào bắt một đứa trẻ ba bốn tuổi ngay lập tức biết nhường nhịn, yêu thương em cả. Những phản ứng như nũng nịu, mè nheo, cáu kỉnh khi ý thức được việc phải chia sẻ tình yêu thương của ba mẹ cho em bé âu cũng là điều dễ hiểu. Và lúc này, suy nghĩ và ứng xử của ba mẹ là vô cùng quan trọng.
Nếu bạn google những từ khóa như: Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em, làm gì khi trẻ có em bé.. chắc chắn sẽ có hàng tá những lời khuyên khác nhau mà chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng:
- Khi mẹ mang bầu em bé, hãy dành thật nhiều thời gian để tâm sự cùng con
- Mua sách liên quan về anh em, kể chuyện liên quan về anh em cho con nghe với tất cả sự háo hức, yêu thương và hạnh phúc
- Tuyệt đối tránh những câu từ so sánh đại loại như: ba mẹ sẽ yêu thương em bé hơn, rồi con sẽ bị ra rìa…
- Khi em bé sinh ra, hãy nhờ con giúp đỡ những công việc liên quan đến em như giúp mẹ thay bỉm, lấy sữa cho em, dỗ dành khi em khóc…
- Thường xuyên hỏi ý kiến của con trong các quyết định liên quan đến hai anh em (dù là những chuyện nhỏ bé hằng ngày)
- Luôn ưu tiên dành thời gian cho con khi có thể
- Hành xử như thế nào khi con dành đồ chơi, đánh em…
- Rất nhiều và rất nhiều…
Vợ chồng tôi cũng đã học được rất nhiều từ những lời khuyên như vậy. Nhưng sau khi trải nghiệm và thực hành một thời gian, tôi nhận ra rằng sau tất cả, điều quan trọng nhất đó là: Hãy thử tưởng tượng mình đang là đứa bé, khi không được yêu thương và chiều chuộng đúng mực, thì phản ứng của chúng ra sẽ như thế nào? Chắc chắn rằng bản thân chúng ta cũng sẽ cảm thấy buồn tủi, khổ sở, và rồi quấy khóc… cũng giống như những thể hiện của con trẻ bây giờ mà thôi. Đó sẽ là những cảm xúc lạc lõng, hoang mang, tổn thương và cô đơn.
Với tư cách là ba mẹ, hãy cố gắng tiếp xúc với con mình bằng tất cả sự quan tâm và yêu thương. Hãy đặt mình vào đúng hoàn cảnh và tình huống của con trẻ, để lắng nghe những cảm xúc và suy nghĩ của con. Nếu bạn cảm nhận được rằng bản thân mình cũng đang quay lại làm một đứa bé con, thì bạn đã thành công rồi đó.
Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ