Một bài học từ sách vở
Trên một chuyến tàu nọ, có một ông bố già và ba đứa con trạc chừng 3-7 tuổi. Đang giờ trưa nhưng bọn trẻ liên tục chạy nhảy hét hò, mọi hành khách đi cùng đều cảm thấy khó chịu. Một số người nhẹ nhàng nhắc nhở, nhưng bọn trẻ không hề có dấu hiệu dừng lại.
Có một điều lạ lùng là ông bố già vẫn bình thản ngồi yên ở hàng ghế cuối, hầu như chẳng thèm để ý đến ba đứa con của mình. Ông chỉ nhìn xa xăm, hoàn toàn vô cảm với những phiền phức mà bọn trẻ đang gây ra cho mọi người xung quanh.
Cuối cùng thì một vị khách đã lao tới hét vào mặt ông bố: “Này ông kia, chúng tôi đã chịu đựng quá mức rồi. Ông không biết dạy dỗ lũ con của mình à? Đúng là một đám hư hỏng. Còn ông, là một ông già vô trách nhiệm!”
Lúc này ông bố mới giật mình nhìn lên. Ông hít một hơi thật sâu, thở dài và chậm rãi nói: “Tôi… tôi thực sự xin lỗi, tôi đang suy nghĩ rằng tôi sẽ phải nói với các con của tôi về chuyện này như thế nào. Ông bạn ạ, mẹ của bọn nhóc vừa qua đời cách đây hai giờ đồng hồ trong bệnh viện. Chúng tôi đang trên đường tới đó.”
Ngay lập tức, tất cả các ánh mắt trên toa tàu đổ về phía người bố già, những cặp chân mày chau lại lúc nãy tự nhiên giãn ra, có cả những giọt nước mắt lăn trên gò má. Nhiều người lặng lẽ đứng dậy, đến gần, vỗ vỗ vào vai ông. Có những cái thở dài, cảm thông và thấu hiểu. Những ánh mắt cay nghiệt, phán xét cách đây mấy phút cũng tan biến tự lúc nào.
Đây là câu chuyện tôi đã nghe kể nhiều lần, một bài học về sự lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Mọi sự việc đều có những lý do đằng sau, đừng vội vàng dán nhãn hay phán xét bất kỳ ai.
Chuyện cũ, nhưng thi thoảng tôi vẫn thường ngẫm lại. Bài học tưởng dễ nhưng học hoài vẫn cứ quên.
Câu chuyện ông con nhà tôi – Chuyện số 1
Câu chuyện thứ hai, là câu chuyện về ông con ba tuổi nhà tôi. Một dạo ông có cái nết rất đau đầu, là chạy nhảy suốt giờ ăn, bảo ban nhỏ to đủ điều nhưng cu cậu vẫn chứng nào tật nấy.
Tôi cũng cất công tìm phương pháp để khắc chế, nào là đặt ra nguyên tắc và thỏa thuận, nào là phạt đứng dựa tường, bỏ đói bla blab.. Nhưng tất thảy đều không ăn thua mấy.
Rồi một buổi chiều, tôi cùng cu cậu mang thóc cho gà ăn. Sau một hồi chăm chú nhìn những chú gà mổ thóc, cu cậu bỗng nhiên quay sang hỏi: “Ba ơi, sao các bạn gà con vừa ăn vừa chạy nhưng không bị ba mẹ phạt? Sao con không được vừa ăn vừa chạy? Con muốn giống bạn gà.”
Ồ thì ra là như vậy! Thì ra việc gì cũng có những nguyên do thâm sâu bên trong. Thật tình lúc đó tôi vừa buồn cười, vừa thấy thương ông con quá đỗi.
Tôi dặn lòng từ rày sẽ cố gắng loại bỏ những cụm từ hàn lâm kiểu như “nghiêm túc”, “đàng hoàng”, “kỷ luật”… Liệu một thằng nhóc ba tuổi có thể thẩm thấu những mỹ từ cao siêu đến vậy không?! Thế giới quan của cu cậu còn đang quanh quẩn nơi mấy bạn gà, và đơn giản chỉ là ngắm nhìn để nghiệm ra chân lý thôi mà.
Trong nhiều cuốn sách nuôi dạy con, chúng ta thường xuyên bắt gặp cụm từ “Lắng nghe để thấu hiểu con mình”. Lắng nghe rồi thấu hiểu, hay thấu hiểu để lắng nghe?! Đôi khi, con trẻ chưa đủ ngôn từ để diễn giải cho chúng ta những suy nghĩ siêu phàm nảy sinh trong đầu nó.
Thực tế thì, “lắng nghe, hiểu con, không phán xét, dán nhãn” – đó là một hành trình đầy nỗ lực. Hy vọng đến một ngày, tôi sẽ đạt cảnh giới luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Nhưng để đồng hành cùng con suốt một chặng đường rất rất dài, liệu có còn cảnh giới nào khác cần hướng tới đằng sau đó nữa không?
Câu chuyện số 2
Tôi muốn kể một câu chuyện nữa, lại là chuyện ông con. Ở tuổi lên ba, việc nói trống không với người khác như là một sở thích đã ăn vào máu của cu cậu…
“Con có muốn ăn thêm một tí nữa không?” – “Không!”
“Đi tắm thôi nào con trai!” – “Không!”
“Đi ngủ thôi nào con trai!” – “Không!”
…
Hai vợ chồng tôi đã rất nỗ lực sửa cái nết này cho cu cậu, nhỏ to giải thích không biết bao nhiêu lần, mua sách về đọc cho nghe, tâm sự khuyên răn các kiểu. Nhưng cu cậu vẫn chứng nào tật nấy.
Thế rồi đợt cao điểm dịch, cả nhà dắt díu nhau về ông bà lánh nạn. Sau mấy tuần, cu cậu có vẻ tiến bộ trông thấy:
“Con có muốn ăn thêm một tí nữa không?” – “Không con no rồi ạ!”
“Đi tắm thôi nào con trai!” – “Con muốn chơi một tí nữa rồi con tắm được không?”
“Đi ngủ thôi nào con trai!” – “Con chưa buồn ngủ, con còn muốn chơi một tí.”
…
Về cơ bản thì thái độ phản kháng vẫn còn, nhưng ít ra câu cú cũng tạm đủ đầy, bớt đi phần cộc lốc.
Có lẽ nào cu cậu đã lớn? Hay về nhà ông bà rèn quá nên cu cậu biết điều hơn?! Tôi ngồi ngẫm thử nguyên nhân và phát hiện ra một sự thật đau lòng. Sự thật là trước nay vợ chồng tôi vẫn thường nói chuyện trống không với nhau như thế.
“Đói bụng chưa?” – “Chưa.”
“Đi tắm chưa?” – “Chưa.”
“Có mệt không?” – “Không.”
“Ngủ sớm đi.” – “Từ từ”
…
Đó là những câu cửa miệng của hai vợ chồng mỗi ngày.
“Nhanh lên”, “Ăn đi”, “Ngủ đi”, “Mau lên”, “Mang dép vào”, “Trễ rồi”… Đây cũng là những khẩu từ tôi vẫn hay dùng với cu cậu.
Về quê, khi trong nhà không chỉ có mỗi hai vợ chồng, tất nhiên những câu nói cộc lốc đã được kiềm chế tối đa. Nói chuyện với ông bà, đương nhiên sẽ luôn đầy đủ chủ vị ngữ. Đặc biệt là ông bà cũng rất nhẹ nhàng với thằng cháu cưng:
“Con đói bụng chưa, bà lấy cơm cho con ăn nhé.”
“Con mang dép rồi đi cà phê chứ ông đang đợi kìa.”
“Bạn Mỡ đi ngủ thôi, các bạn gà đều đi ngủ cả rồi đấy.”
…
Day by day, những mỹ từ dần dần đi vào tiềm thức cu cậu tự lúc nào.
Sự thật ở đây là “Con trẻ không hề sai, và không có gì phải sửa cả. Cái cần sửa, cần thay đổi là môi trường mà thôi.”
Thêm một cảnh giới cao hơn tôi ngộ ra, đó là tự thay đổi. Muốn con trở thành một mẫu người như thế nào, trước tiên bạn phải tự thay đổi mình để hướng tới một hình mẫu như thế.
Có một câu nói rất hay: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” – Nó là chân lý, không chỉ giới hạn trong việc nuôi dạy con.
Kết
Tôn chỉ để ba mẹ đồng hành cùng con trẻ chính là “lắng nghe, thấu hiểu, không phán xét – quan sát, tự vấn và thay đổi chính mình”. Đó là kinh nghiệm rút ra từ hành trình gần bốn năm đồng hành cùng con, từ không ít sách vở đã đọc qua, và cũng tham gia kha khá các buổi workshops chia sẻ về cách làm cha mẹ.
Tất nhiên mọi lý thuyết chỉ là màu xám, ba mẹ vẫn phải luôn nỗ lực thực hành mỗi ngày, để có thể trở thành người bạn thân thiết – đồng hành cùng con những năm tháng đầu đời.
Làm bạn cùng con – thực sự là một hành trình gian nan và bền bỉ nhất trong cuộc đời làm ba mẹ các bạn ạ.
Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ