Buổi tối, bạn trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi. Sau giờ cơm, con trai nằng nặc đòi bạn cùng chơi Lego, cùng đọc Peppa Pig… Bạn không kiềm chế được, bạn gắt lên với con rằng: “Con lớn rồi, sao không thể tự chơi một mình? Hãy để cho ba mẹ nghỉ ngơi một chút có được không?”. Con trai chạy một hơi vào phòng, con trai hét lên “Ba mẹ không thương con gì cả!”, rồi đóng sầm cửa lại.
Khi lấy lại được bình tĩnh để nhận ra mình sai, bạn đi vào phòng, bạn ôm lấy con. Bạn nhớ lại kiến thức từ một khóa dạy con nào đó, ý thức nhắc nhở rằng bạn phải biết mở lòng ra, phải biết im lặng, để lắng nghe con, để xoa dịu con, để thấu hiểu con mình…
Bạn thấy tình huống này có quen không? Với mình, nó diễn ra thường ngày. Bạn có làm được như những điều mình vừa nhắc đến không? Với mình thì trong một thời gian dài, mình đã không làm được. Cho đến một ngày mình nhận ra rằng, trong hoàn cảnh đó, trong tình huống đó, mình đã thiếu đi một điều hết sức quan trọng.
Đó là khả năng LẮNG NGHE CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.
Con người chúng ta không thể nào lắng nghe một cách trọn vẹn, để thấu hiểu, khi trong tâm đang trỗi lên những định kiến, những suy diễn, và mưu cầu.
Bạn mong cầu điều gì khi gõ cửa bước vào phòng con?
Bạn có mong muốn rằng con sẽ nhận ra là con đã sai khi vòi vĩnh ba mẹ, trong những lúc ba mẹ đang mệt mỏi? Để rồi con sẽ bỏ qua những lời gắt gỏng bạn vừa gieo vào con ban nãy?
Bạn có định kiến gì ngay tại thời điểm đó? Bạn có đang nghĩ rằng đúng là mình đã sai khi lớn tiếng với con, nhưng con cũng cần phải thông cảm cho ba mẹ, như vậy mới công bằng?
Bạn có suy diễn rằng bản thân mình nóng giận là do mình đã phải trải qua một ngày dài mệt mỏi, nếu không thì mình đã không phản ứng với con như vậy…
Có thể bạn sẽ có những suy nghĩ khác nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi trong đầu bạn đang bị những mưu cầu, định kiến và suy diễn như vậy chi phối, bạn không thể nào lắng nghe và thấu hiểu con mình một cách trọn vẹn.
Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, phải trải qua hoàn cảnh này không biết bao nhiêu lần, mình mới nhận ra điều cốt lõi đó.
Để lắng nghe con nói, trước hết bạn phải giữ được cho mình một cái tâm tĩnh lặng. Trước khi lắng nghe những điều con tâm sự, bạn phải lắng nghe chính cảm xúc và trực cảm của mình, để gạt sang một bên những định kiến, những suy diễn, và mưu cầu. Điều này thực sự không quá khó, chỉ cần bạn dành khoảng 10 giây, chỉ để hít thở thật sâu, cảm nhận hơi thở vào ra nhịp nhàng. Ngay lúc này, khoảnh khắc này, ngay tại đây chỉ có bạn và con, và một nỗi ấm ức con đang mang trong lòng. Hãy thực sự bình tâm để đón nhận những điều con chia sẻ.
Bạn sẽ lắng nghe con với một tâm bình an kì lạ. Sẽ không còn những tranh cãi hay áp đặt, không ngắt lời, cũng không cần những nỗ lực hay kiên nhẫn nào cả, mọi thứ diễn ra tự nhiên như hơi thở. Bạn sẽ lắng nghe con với một tinh thần sáng suốt, một sự bao dung to lớn, và một cơ thể đang thả lỏng hoàn toàn. Và con, cũng sẽ nhanh chóng giải tỏa được nỗi ấm ức trong lòng.
Kì lạ hơn, là có những lần chỉ cần mình đủ tĩnh lặng để lắng nghe suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, thì có vẻ như con cũng đã quên đi cơn giận trong lòng, hoặc là con đã chấp nhận tha thứ cho ba mẹ. Con lại ôm chầm lấy ba mẹ, con sẽ rủ ba mẹ chơi một trò chơi khác, hay tíu tít kể cho ba mẹ nghe một câu chuyện nào đó chả ăn nhập gì với sự kiện ban nãy vừa xảy ra. Có lẽ chính sự bình tâm trong nội tại đã tỏa ra nguồn năng lượng bình an và tích cực, để lan truyền sang con, để lấy lại bầu không khí ấm áp và yêu thương trong gia đình.
Có một lưu ý rằng nếu bạn đang quá mệt mỏi hay căng thẳng, bạn không thể nào lắng nghe bản thân mình, thì hãy chọn một thời điểm khác để nói chuyện cùng con. Chỉ khi bạn có đủ sự tĩnh lặng nội tại từ bên trong, thì chúng ta mới có thể lắng nghe và thấu hiểu một cách trọn vẹn. Chúng ta cần biết cách giữ im lặng khi lắng nghe một điều gì đó, không chỉ là sự im lặng từ bên ngoài, mà còn là sự tĩnh lặng từ bên trong.
Đây là một kỹ năng, và nó cần một thời gian dài để luyện tập. Bản thân mình, mình cũng đang luyện tập.
Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ