Tại sao chúng ta thường bất AN?

Bình an
Bình an

Nếu để ý, bạn sẽ thấy thời gian gần đây mọi người thường đặt tên con gắn với chữ AN. Là Tâm An, Tuệ An, là Hoài An, Phúc An, Bình An… Có lẽ đến một lúc nào đó, con người cần cho mình một chữ AN, để xoa dịu những bất an luôn hiện hữu trong lòng.

Trong nhiều năm, tôi cũng loay hoay đi tìm một chữ AN như vậy. Và rồi tôi tìm đến THIỀN. Đợt rồi, tôi lên thăm thầy. Nhà thầy là một thất nhỏ trong một ngôi làng nhỏ, cách Sài Gòn hoa lệ 1 đêm xe đò. Từ đường lộ, phải lội bộ hơn 1 cây số nữa, rồi lội qua một con suối mới đến nơi. Dường như ở đây là một thế giới hoàn toàn khác, tách biệt với cuộc sống xô bồ tất bật bên ngoài kia.

Tôi ở lại 1 tuần, tạm bỏ lại đằng sau những bộn bề thường nhật. Tôi đủ thong thả để ngắm mặt trời thức dậy và đi ngủ, đủ tịnh tâm để lắng nghe tiếng suối, tiếng lá cây và gió, tiếng côn trùng buổi đêm. Tôi cảm nhận được mùi hoa và cỏ thoang thoảng quyện vào nhau. Những bữa cơm, có rau thầy trong vườn nhà. Ở đây, thời gian như chậm hơn, và thật yên bình. Nhiều bất an trong lòng cũng dịu đi, lắng lại, và tan biến.

Có lẽ rằng, đa phần chúng ta khi đến tuổi trưởng thành đều canh cánh bên mình nhiều nỗi lo, về tương lai. Nỗi lo sức khỏe, nỗi lo tài chính, lo cho gia đình, cho tương lai con cái, cho sự nghiệp, công danh, địa vị xã hội… Những nỗi lo luôn kéo con người về phía trước. Chúng ta gọi đó là tiến bộ, là phát triển. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta lại vội vã, chen chúc, kèn cựa đua nhau đến những điểm đích vô hình. Vô tình, bất an cũng đồng hành từ đó.

Chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng đều đã nhiều lần tự hỏi, rằng lỡ sáng mai thức dậy, một biến cố nào đó ập đến trong đời, thì mình sẽ ra sao? Lỡ ngày mai mình thất nghiệp thì sao? Bao khoản chi tiêu, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền con cái học hành… tất cả bấu víu vào đồng lương mỗi tháng. Những lo lắng đó dần biến thành nỗi sợ, thành áp lực cuốn chúng ta vào vòng xoay tiền bạc, và nhiều những vòng xoay khác nữa.

Một dạo đi tìm trường học cho con, tôi thấy đa phần các trường đều có một khẩu hiệu chung, rằng tương lai của con nằm trong tầm tay của ba mẹ, rằng hãy chọn cho con một ngôi trường tốt nhất. Nhưng điều gì là tiêu chí để xếp loại, tôi cũng không rõ nữa. Có lẽ đó là học phí, chẳng phải xã hội hiện tại đang phân tầng theo sức mạnh tài chính hay sao?!

Ở thất của thầy, buổi sáng thầy thường cùng các học trò hàn huyên, tôi cũng kể với thầy về những trăn trở đó. Thầy nói rằng cuộc sống bây giờ quá dễ dàng, con người có quá nhiều lựa chọn. Nhưng mấy ai chịu lắng mình một chút để mà lựa chọn? Những nỗi sợ vô hình đang kéo chúng ta lao đi như thiêu thân, và bình an tự nhiên lại trở nên xa vời.

Tương lai là thứ mà chúng ta không thể nào dự đoán được.

Con người chắc không thể nào nghĩ rằng có một ngày, ngay cả việc hít thở cũng là điều khó khăn, được nhìn rõ mặt nhau, nắm lấy bàn tay nhau lại trở nên xa xỉ. Tôi đang nói về 2 năm đại dịch. Tiền có thể đã đổ đầy các tài khoản, chúng ta gần như có tất cả mọi thứ trong tay, nhưng vẫn phải bất lực nhìn người thân ra đi, vẫn phải bất lực quằn quại với những cơn đau vật vã. Khi phải đối diện với những cùng cực đó, có lẽ ai cũng sẽ nhìn lại những lựa chọn của mình. Là sức khỏe, là tình thân, là yêu thương, hay là tài chính, tiền bạc, địa vị, công danh, đó hoàn toàn là lựa chọn của mỗi người.

Quay lại câu chuyện trường học cho các con. Tương lai các con, trong tầm tay ba mẹ. Ba mẹ nào cũng đều mong muốn cho con những điều tốt nhất, nên sẽ chạy đua vào những ngôi trường tốt nhất, và đắt nhất. Để làm được điều đó, thứ ba mẹ đánh đổi là thời gian, là sức khỏe, là những giây phút gia đình sum vầy bên nhau. Ba mẹ mang về nhà bao mệt mỏi, bực dọc sau những giờ công sở mệt nhoài. Tôi không tin rằng các con thực sự cần điều đó. Tôi đọc được đâu đó rằng gia đình mới thực sự là ngôi trường quan trọng nhất, và nó cũng đắt đỏ không kém. Một người bạn của tôi đã từ bỏ chức danh CTO trong một tập đoàn lớn, chỉ để đối lấy những bữa tối thoải mái ăn cơm cùng gia đình, và 30 phút đưa đón con mỗi ngày. Chúng ta có quyền lựa chọn.

Nếu ai đó hỏi rằng tôi có sợ mất việc không? Tôi có chứ. Nếu một ngày tình hình tài chính công ty tôi hắt hơi sổ mũi, thì hẳn tôi cũng sẽ lao đao. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra một điều rằng khi bạn mang lại giá trị cho cuộc đời, thì cuộc đời sẽ trả lương cho bạn. Có thể nó chưa đến một cách tức thì và đều đặn, nhưng chắc chắn cuộc đời không mắc nợ bạn bao giờ.

Nhiều năm đi làm, tôi nhận ra rằng có những thứ tưởng chừng béo bở, lợi lộc cuối cùng chẳng mang lại cho mình điều gì cả, khi bản thân những thứ đó không có được giá trị rõ ràng. Những toan tính, hơn thua rồi cũng thành khói bụi. Nhưng có những việc nhỏ nhoi tôi giúp đỡ bạn bè lại trở thành lợi ích và cơ hội cho cả hai trong nhiều những năm tháng về sau.

Một tuần ở nhà thầy, tôi cũng dành nhiều thời gian nhìn ngắm cuộc sống xung quanh. Những người dân ở đây, ngày ngày họ trồng lúa, trồng rau, nuôi gà vịt, cung cấp thực phẩm sạch cho các đô thị lớn. Có thể thu nhập không là bao so với mức lương thành thị, nhưng họ sống vui, hạnh phúc, họ có sức khỏe, và dường như họ không có quá nhiều nỗi bất an trong lòng. Chẳng phải cuộc đời đang trả lương cho họ rất hậu hay sao?

Thầy của tôi hiện đang xây dựng làng thiền thứ 3, hoàn toàn từ sự đóng góp tự nguyện của các thiền sinh xa gần.

Tôi dần nhận ra rằng bình an của mỗi người chính là hiện tại ngày hôm nay. Tôi không phủ định sự cần thiết của việc hoạch định tương lai, nhưng hãy đừng để những nỗi lo lấp đầy tâm trí! Mỗi sáng mai thức dậy, bên gia đình, mình đủ thảnh thơi để nhâm nhi li sữa nóng. Mình biết rõ những công việc ý nghĩa cần phải làm trong hôm nay, và hoàn thành nó. Mỗi sáng mai thức dậy, mình biết mình vẫn ổn, mình có một ngày trọn vẹn cho bản thân, cho người thân, cho những giá trị mà mình đã gọi tên rõ ràng.

Cuộc sống cứ trôi, bánh xe cuộc đời cứ xoay đều theo năm tháng, tương lai suy cho cùng chính là kết quả của những hạt giống bạn đang gieo vào cuộc đời hôm nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa, giữa việc sống khắc khoải với những nỗi lo trong lòng, hay mở lòng đón nhận từng ngày tươi đẹp và ý nghĩa. Cuộc sống này, liệu có quá khó khăn và khắc nghiệt như chúng ta thường nghĩ hay không?!

Tâm AN, vạn sự rồi sẽ AN! Tâm AN, khi lòng ta biết ĐỦ!

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ