Có dạo, mỗi lần đón anh Mỡ từ trường mầm non về, tôi bị stress bởi một chuyện mà bây giờ nghĩ lại, vẫn thấy ân hận và thương con quá đỗi.
Cũng phải nói thêm là thời điểm đó Anne mới chào đời, hai vợ chồng đang bị xoay quần bởi nhà có thêm thành viên mới, hầu như lúc nào cũng trong trạng thái chạy đua với thời gian.
Hết giờ làm ở công ty, tôi vội vàng phi ngay đến trường đón cu cậu, rồi cố gắng về nhà thật nhanh, với bao công việc cuối ngày đang đợi hai vợ chồng. Nào là tắm cho hai anh em, nấu cơm, cho anh Mỡ ăn, cho em Anne ngủ, rồi hai vợ chồng ăn tối, rửa bát, dọn dẹp, giặt quần áo… Sau đó đến công đoạn cho cu cậu đánh răng, đọc sách, tâm sự đêm khuya, đi ngủ, thế là hết một ngày. Chu trình cứ thế lặp đi lặp lại.
Quay lại câu chuyện đón cu cậu ở trường mầm non, chuyện chỉ đơn giản là bạn ấy muốn được tự mang dép trước khi ra về. Dạo ấy, mỗi lần khi nghe các cô gọi “Mỡ ơi về thôi con” là bạn ấy sẽ hăm hở mang balo, xách dép phi ngay ra cổng. Quăng phẹt đôi dép xuống sân, cu cậu ngồi mân mê mở quai dép ra, gắn quai vào, xỏ chân nọ vào dép kia, xỏ mũi chân vào mũi dép, rồi lại mở đóng quai, cứ như thế. Mặc cho tôi đang ra sức thúc giục, mặc cho cô giáo tỉ tê hướng dẫn, và cả những ánh nhìn ái ngại của nhiều phụ huynh khác, cu cậu vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, theo kiểu “cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một đôi dép”. Trong hoàn cảnh như thế, sự kiên nhẫn của tôi đã lên đến đỉnh điểm. Tôi giằng lấy đôi dép mang vào cho cu cậu, rồi bế lên xe, kèm theo mấy câu càm ràm đại loại là ba đang vội, con phải nhanh nhẹn lên, không được để cô giáo đợi, blah blah…
Và thế là cu cậu bật khóc hét lên: “Con muốn tự làm, ba kệ con”. Dù cho tôi dỗ dành hay la mắng thế nào thì cu cậu vẫn khóc và nằng nặc: “Con muốn tự làm, con muốn tự mang dép”.
Chặng đường về nhà của 2 ba con, tất nhiên là ngập tràn trong nước mắt.
Thực ra thời điểm đó tôi vẫn ý thức được việc phải cố gắng tạo cơ hội để con trẻ tự làm những việc cá nhân, nhưng khi cân đối với núi công việc đang đợi ở nhà, việc tôi đã tất tả bở hơi tai phi ra khỏi công ty để đón cu cậu cho kịp giờ, rồi cô giáo phải cố gắng chờ đợi… Thì quả thật cái chuyện mang dép này nó quá cỏn con, không đáng phải gào khóc như thế.
Nhiều lần sau đó, câu chuyện vẫn lặp lại như vậy, con đường từ trường về nhà của cu cậu chỉ là nỗi ấm ức trong tiếng khóc.
Tuy nhiên, khi có thời gian bình tâm suy nghĩ lại, tôi chợt nhận ra rằng: Chỉ có ở lứa tuổi này, con mới hồn nhiên khóc lóc khi không vừa lòng bất kỳ một chuyện gì đó.
Chúng ta thường quên mất rằng, ngày xưa khi ở tuổi này, chúng ta nhìn thế giới dưới lăng kính thế nào, suy nghĩ, cảm xúc, hành động của mình ra sao?
Đến một độ tuổi nhất định, con trẻ sẽ muốn được tự làm nhiều thứ theo ý mình, đó là khi con bắt đầu hình thành sự độc lập và mong muốn được thể hiện cái tôi cá nhân. Độ tuổi này khác nhau ở mỗi bé, như anh Mỡ nhà tôi thời điểm đó là hơn 3 tuổi một chút. Khi không được làm theo ý mình hay không vừa lòng bất kể chuyện gì, cu cậu sẽ trút tất cả giận dỗi vào ba mẹ. Hai vợ chồng tôi cũng thuộc nhóm ba mẹ khá chiều con, tuy nhiên có những thời điểm, khi nhiều thứ cộng hưởng lại với nhau, thì sự kiềm chế đã vượt mức chịu đựng, thế là không tránh khỏi những phút nổi cáu, la mắng. Và sự việc sẽ càng trở nên tồi tệ.
Quay lại câu chuyện mang dép lúc nãy. Nếu bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề một chút thì lúc đó, con đang nghĩ gì nhỉ?
Con chỉ đơn giản muốn tự làm công việc của mình – đó là mang dép. Chẳng phải ở nhà tôi vẫn thường nhắc cu cậu hãy tự làm công việc của mình đấy sao? Tự lấy sách, tự dọn đồ chơi, tự uống nước, và cả tự mang dép nữa.. Chẳng phải tôi muốn hướng cu cậu đến một hình mẫu tự lập khi trưởng thành?! Thế nhưng khi bản thân đang hăm hở muốn tự làm công việc của mình thì lại bị người khác tước đoạt và la mắng, thật ấm ức quá đỗi?! Logic của cu cậu lúc này chỉ đơn giản là tại sao có lại sự bất nhất như vậy, và khi chưa tự giải thích được điều phi lý này, cộng thêm việc bị hối thúc và la mắng, thì phản ứng khóc la âu cũng là dễ hiểu.
Nhớ lại khoảnh khắc bắt gặp đôi mắt hoang mang đầy phẫn uất của bạn ấy khi bị giằng đôi dép ra khỏi tay, tôi thật sự đã rất ân hận.
Thực ra, việc quấy khóc, la hét không phải là con cố ý làm cho tôi bị khó xử, chỉ là con đang từng chút từng chút học một bài học mới, một bài học về sự cay đắng khi hiện thực không phải lúc nào cũng giống như suy nghĩ của mình. Trước những tình huống như vậy, nếu tôi vẫn giữ cách đối diện với nó bằng một tâm trạng đầy cáu giận thì liệu tình hình có cải thiện lên không? Nhìn xa hơn một chút, từ những bài học đầu đời như vậy, nếu câu chuyện vẫn cứ khép lại đầy phẫn uất và nước mắt, thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến cách đối diện và hành xử của con sau này, trước hiện thực nhiều những bất công và cay đắng ngoài kia?
Trong những tình huống đó, chỉ có tôi mới là người có thể thay đổi được tâm trạng của mình, từ đó cải thiện được tình hình mà thôi. Còn việc yêu cầu một đứa trẻ 3 tuổi phải vui vẻ chấp nhận sự thật cay đắng đó, tôi nghĩ điều này còn khó hơn lên trời. Cũng có thể, đứa bé vì sợ bị la mắng hoặc đánh đòn nên sẽ ngậm ngùi cam chịu. Nhưng, quay lại câu hỏi này một lần nữa: Điều gì sẽ xảy ra khi những bài học đầu đời của con chỉ là sự ngậm ngùi và cam chịu? Tôi thật sự cũng không muốn nghĩ tới.
Bạn có thể biện giải rằng phải dạy cho con biết chấp nhận thực tế cuộc sống, phải tập thích nghi với những quy tắc và bất công, vì cuộc sống này vốn dĩ đầy bất công. Trẻ con nếu được yêu chiều và dung túng sẽ ngày càng hư hỏng, và một đứa trẻ ngoan thì phải biết vâng lời ba mẹ. Ok điều đó cũng tốt thôi, nhưng quan điểm của tôi là hãy cố gắng hạn chế tối đa những bất công và áp đặt khi mình còn có thể. Tôi vẫn muốn con mình đối diện với càng ít bất công càng tốt. Tại sao bản thân mình – là người mà con tin tưởng và yêu thương nhất – lại không thể mang đến cho con tối đa sự tự do, an tâm và tin tưởng vào một cuộc sống công bằng tốt đẹp ngoài kia? Nếu tuổi thơ được gieo mầm với quá nhiều bất công và áp đặt, chắc chắn sau này lớn lên con sẽ có xu hướng mang lại những bất công và áp đặt cho người khác. Và tôi thực sự không mong muốn điều này.
Do đó, thay vì cáu giận trong vô vọng, tôi phải cố gắng hướng về con bằng tất cả tình yêu thương của mình, phải luôn tự nhủ mình rằng: Con chỉ đang học về hiện thực cuộc sống không giống như những gì mình đang nghĩ, nếu có thể, tại sao mình không đồng hành cùng con vượt qua bài học đó? Một lời động viên, một câu nói nhẹ nhàng chia sẻ chắc chắn sẽ là thứ con đang cần nhất. Đây thực sự có phải là tình huống quá rắc rối, hay chỉ đơn thuần là trải nghiệm trên hành nuôi dạy con trẻ, và chúng ta hoàn toàn có thể biến nó thành niềm vui.
Nếu chịu khó quan sát, mô-típ câu chuyện này rất thường xuyên xảy ra quanh ta: trên bãi cát công viên, quầy tính tiền ở siêu thị, trong quán cà phê, hay nơi cổng trường… Không khó để bắt gặp hình ảnh ba mẹ quát mắng đứa con đang giàn dụa trong nước mắt, khi chúng không được tự do nghịch cát, không được chọn món đồ chơi mình thích, không được nghịch những viên đá long lanh trong ly nước, hay không được tự mang dép cho mình – như trường hợp của tôi.
Phải thừa nhận rằng trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có những tình huống oái oăm trong những hoàn cảnh cụ thể mà chúng ta sẽ không thể nào kiềm chế được. Bởi trẻ con luôn biết cách chọc giận ba mẹ, và chúng ta cũng không phải là những thiền sư để vượt qua những tình huống đó chỉ với sự bao dung và tình yêu thương. Đã không biết bao nhiêu lần câu chuyện của tôi và con chỉ khép lại trong cáu giận và nước mắt. Và tôi, trong những tình huống như vậy, vẫn đang phải cố gắng làm sao để có thể kiểm soát được cảm xúc của mình – chỉ cần ngày hôm nay có thể làm tốt hơn ngày hôm qua một chút – vậy thôi đã là một thành công. Những tình huống này, chỉ xảy ra ở một lứa tuổi nhất định mà thôi. Lớn hơn một chút, chắc chắn cu cậu sẽ không bao giờ gào khóc chỉ vì chuyện đôi dép nữa cả, chắc chắn là như vậy.
Tất nhiên mỗi ba mẹ sẽ có một chuẩn mực nuôi dạy con khác nhau, và sẽ có những cách hành xử khác nhau, tôi không dám khẳng định cách nào là tối ưu nhất. Nhưng có một điều tôi nhận ra rằng, ở tuổi này, khi con khóc, ánh mắt con chỉ hướng về ba mẹ của mình. Nhưng chẳng bao lâu nữa, ánh mắt đó sẽ vượt ra ngoài chúng ta. Trên hành trình nuôi dạy con, những khoảnh khắc như thế này sẽ qua đi trôi qua nhanh thôi, có những khoảnh khắc chúng ta chỉ có thể bắt gặp một lần duy nhất trong đời. Vậy nên, tại sao chúng ta không trân trọng và chào đón nó như những trải nghiệm quý giá cùng con trẻ. Khi con gào khóc vì nhận ra sự khắc nghiệt của cuộc đời, hãy cố gắng coi đây như là một cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu và cùng con vượt qua nó, thay vì gieo vào con những lời cay đắng và giáo điều. Ở tuổi này, sự bấu víu duy nhất của các con chính là ánh nhìn cảm thông, yêu thương và chia sẻ của chúng ta.
Rồi sẽ có một ngày, bạn bùi ngùi hồi tưởng lại về thời điểm này, và tất cả chỉ còn là một bầu trời kỷ niệm đầy thương nhớ. Hãy cố gắng để vùng ký ức đó đó thật đẹp và trong trẻo, đừng bị vấy bẩn bởi những ân hận không đáng có – như câu chuyện con muốn được tự mình mang dép của tôi.
Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ