Công nhận cảm xúc của Con

Công nhận cảm xúc của Con
Công nhận cảm xúc của Con

Khi con trẻ nổi nóng, tức giận, hay gào thét, bạn thường sẽ làm gì? Bạn có giống như tôi, ngay lập tức đặt ra hàng loạt câu hỏi “Tại sao?”, “Vì sao vậy con?”, “Con đang bị làm sao thế?”… đại loại vậy?

Những câu hỏi “tại sao” như vậy vốn dĩ xuất phát từ việc người lớn chúng ta đang nôn nóng muốn biết rõ vấn đề gì đang xảy ra với trẻ, để có thể cùng con giải quyết, hoặc chí ít là chia sẻ, cảm thông cùng con. Tuy nhiên, đối với hầu hết các con – trong hầu hết các tình huống – những câu hỏi “tại sao” lại chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề con đang phải đối diện mà thôi.

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra những phản ứng bực bội, tức giận hay gào thét của trẻ em hầu hết đều xuất phát từ một nỗi ấm ức nào đó. Và khi đang loay hoay để thoát ra khỏi nỗi ấm ức hiện hữu, việc tiếp nhận thêm những câu hỏi “tại sao” lại vô tình khiến các con phải nhận thêm một nhiệm vụ nặng nề hơn. Con phải cố gắng phân tích nguyên nhân nỗi ấm ức là gì, để có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho những câu hỏi “tại sao” đó…

Thực tế thì, trẻ thường không thể biết tại sao chúng lại cảm thấy như vậy. Để trả lời được câu hỏi tại sao, và sau đó truyền đạt lại suy nghĩ của mình với người đối diện, dường như là một nhiệm vụ bất khả thi dành cho con vào thời điểm này. Kể cả với người lớn chúng ta, khi đang phải vật lộn với một nỗi tức giận tím tái mặt mày, liệu chúng ta có đủ sáng suốt và tỉnh táo để gọi tên những cảm xúc hiện hữu, rồi trình bày nó ra một cách mạch lạc hay không?

Khi con liên tục bị chất vấn tại sao, có thể trẻ sẽ chỉ cố gắng tìm ra một lý do nào đó đủ để thuyết phục bạn, vậy thôi. Việc này, suy cho cùng thì lợi bất cập hại.

Có những trẻ khi tức giận thường không thèm nghe người khác nói gì cả. Những câu nói cảm thông, gọi tên hay chia sẻ cảm xúc đối với trẻ hầu như chỉ làm sự việc trở nên tồi tệ hơn, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Nhóc nhà tôi là một ví dụ điển hình như vậy.

Trước đây, có lần tôi đọc được đâu đó một bí kíp là khi trẻ đang tức giận, hãy để con vẽ ra những cảm xúc của mình. Không ngần ngại, tôi mang ra áp dụng ngay. Tình huống có lẽ cũng rất quen thuộc với hầu hết các ba mẹ đang có con trai ở độ tuổi lên 4 như gia đình chúng tôi. Hôm đấy cu cậu nằng nặc đòi mua một đoàn tàu chạy trên đường ray, và tất nhiên là tôi không đồng ý. Thế là cu cậu bắt đầu mè nheo, năn nỉ ỉ ôi, rồi gào khóc. Tôi liền tìm đưa cho cu cậu 1 tờ giấy và 1 cây bút chì, bảo rằng:

– “Này Mỡ, con có thể vẽ ra những điều con đang nghĩ được không? Con phải vẽ ra thì ba mới hiểu được chứ.

– “Nếu con thích đoàn tàu, con có thể vẽ đoàn tàu, hoặc vẽ đường ray, tùy suy nghĩ của con đấy!

Tôi đợi một lúc, nhưng tình hình không có gì tiến triển, cu cậu càng gào khóc to hơn, lại còn nằm lăn ra sàn nhà giãy nãy. Tôi lại tiếp tục:

– “Tại sao con khóc vậy? Con đang rất buồn vì không được mua đoàn tàu đúng không nào?

– “Nhưng con đang có rất nhiều đồ chơi mới đấy. Nếu con đang buồn thì hãy ngồi dậy vẽ nỗi buồn ra, thì ba mới hiểu được chứ.

Blah blah…

Sau một hồi nỗ lực tâm tình và gọi tên cảm xúc của con, vẫn không có gì tiến triển ở đây cả, tôi bất lực và bỏ cuộc.

Ngay lúc đó, vợ tôi từ nhà bếp đi ra, từ tốn ngồi xuống bên cạnh cu cậu, cầm bút lên và vẽ những đường lên xuống ngang dọc ngẫu nhiên, không theo một trật tự hay ý đồ gì cả. Rồi vợ tôi đưa cây bút cho cu cậu, chỉ khẽ mỉm cười và gật đầu nháy mắt ra hiệu, kiểu như có ý bảo rằng bây giờ tới phiên của con đấy. Thế là cu cậu giằng lấy cây bút, gạch lấy gạch để ngang dọc, vừa gạch vừa khóc, cho tới khi tờ giấy bị rách nát mới thôi. Vợ tôi lại nhẹ nhàng cầm tờ giấy lên, chăm chú nhìn tờ giấy và hỏi:

– “Đây có phải là nỗi tức giận của bạn Mỡ không nhỉ?”.

Và thật kì diệu, cu cậu thở phào 1 cái rồi nói:

– “Con hết buồn rồi mẹ. Con đi chơi lego đây!

Rồi cu cậu đứng phắt dậy, đi vào phòng khiêng bộ Lego ra, chăm chú ngồi chơi một mình. Ôi thật vi diệu!

Tôi đã đứng quan sát từ đầu đến cuối suốt một quá trình chuyển đổi cảm xúc đáng kinh ngạc của con, và nó chỉ diễn ra trong vài phút. Thì ra trong rất nhiều tình huống, một đứa trẻ 4 tuổi hoàn toàn đủ năng lực để nhận thức điều gì là nên làm hay không nên, và hoàn toàn có thể tự thân vượt qua vấn đề mà chúng đang gặp phải. Tôi nhận ra được điều cốt lõi ở đây chính là trong khi con tức giận, cái mà con đang cần nhất đơn giản chỉ là một người mà con có thể tin cậy hiện diện ngay ở đó, nghe con nói, xem con làm, để cho con biết rằng dẫu là nỗi giận dữ ghê gớm nhất thì vẫn có người hiểu và công nhận cảm xúc của con, chỉ vậy thôi.

Theo một số tài liệu nuôi dạy con, trong những khoảnh khắc uất ức hay tức giận, hãy tìm cho con một hình thức vận động cơ thể nào đó để giúp trẻ giải phóng bớt năng lượng tiêu cực, và vượt qua nỗi tức giận đang hiện hữu. Vẽ là một hình thức vận động cơ thể như vậy, và vợ tôi đã khai thác nó một cách vô cùng hiệu quả. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể chọn nhiều hình thức vận động khác, như là đấm tay vào gối bông, nhào đất sét, đóng cửa phòng và hét thật to… Hình thức nào cũng được cả, chỉ cần ba mẹ hiểu được điều cốt lõi rằng: “Trẻ con không cần cảm xúc của chúng được đồng ý, chúng chỉ cần cảm xúc của mình được công nhận”. Nên thay vì nỗ lực để hiểu và gọi tên cảm xúc của con như tôi đã cố gắng làm, và thất bại, hãy thể hiện cho con thấy rằng bạn đang tôn trọng cảm xúc của con.

Có thể bạn sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Nếu như tất cả những cảm xúc của con đều được công nhận, liệu điều đó có phản tác dụng hay không? Liệu rằng như vậy có khiến chúng ta trở thành những ba mẹ dễ dãi hay không? Và khi đó con cái sẽ không còn phân biệt được đúng sai, để hành xử cho chuẩn mực?

Thực ra đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta đang nỗ lực để có thể dễ dãi trong việc công nhận những cảm xúc của trẻ, không có nghĩa là chúng ta sẽ công nhận tất cả những hành vi của con. Sau một hành trình gần 5 năm đồng hành cũng con, tôi nhận ra rằng những điều đúng đắn hay sai trái, trẻ sẽ học được thông qua sách vở mà chúng đọc, qua những câu chuyện bạn thủ thỉ cùng con mỗi ngày, hoặc qua thực tiễn mà chúng quan sát được. Tôi không tin rằng trẻ có thể tiếp thu được những kiến thức mà bạn muốn truyền đạt khi bản thân con đang phải đối diện với một nỗi uất uất hay tức giận nào đó. Và quan trọng hơn là, ngay khi bạn vội vàng đưa ra cho trẻ một lời khuyên hay giải pháp tức thì, chúng ta đã vô tình tước đoạt của con cơ hội được đối diện và tự thân xử lý vấn đề của chính mình. Tôi không nói rằng chúng ta không bao giờ đưa ra lời khuyên cho con mình, nhưng sẽ là lúc nào, và như thế nào, đây là một câu hỏi lớn, là cả một nghệ thuật mà ba mẹ phải liên tục trau dồi, và thực hành nghiêm túc. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sẽ không phải là lúc con đang phải vật lộn với những khoảnh khắc trầm uẩn, tức giận đó, với dồn dập những câu hỏi “vì sao” bủa vây một tâm hồn bé nhỏ. Bạn có đồng ý với tôi không?

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ