Khen con hay Giáo điều?!

Khen con hay giáo điều
Khen con hay giáo điều

Chúng ta thường mặc định rằng lời khen sẽ là động lực cho con cái nỗ lực phấn đấu và tốt hơn lên mỗi ngày?! Nhưng đôi khi, lời khen lại chính là sai lầm của ba mẹ.
Ranh giới nào trong những lời khen của người lớn dành cho con? Chính nó sẽ quyết định sau này khi lớn lên, các con có dám làm những điều mình thích, hay chỉ cố gắng chạy theo những lời khen ngợi từ bên ngoài?
Trong giai đoạn 0-6 tuổi, ý nghĩa từ những lời nói của người lớn sẽ tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách trẻ. Con trẻ – nếu càng nhạy cảm – thì lời khen phải thật chắt chiu, đúng lúc, đúng chỗ nhất có thể. Thực sự đây là chuyện không dễ tẹo nào.

Có một thực tế rằng, dù không được khen, con vẫn sẽ nhận được sự khích lệ từ trong sâu thẳm lòng mình. Tự bản thân trẻ sẽ cảm nhận được mình có hài lòng hay không đối với những việc đã làm. Những lời khen nhầm chỗ đôi khi chỉ mang lại sự bực mình mà thôi. Cũng đã từng là con trẻ, chắc chắn ba mẹ sẽ hiểu được ý nghĩa của những lời người lớn nói là như thế nào.
Nếu muốn được khen, tự bản thân các con sẽ phát ra tín hiệu để gây sự chú ý của người khác. Nếu là anh Mỡ nhà tôi, khi muốn thể hiện một điều gì đó để được khen ngợi, cu cậu sẽ liên tục nói: “Mẹ/Ba ơi, nhìn này, nhìn này!”. Đó là những khi cu cậu hớn hở khoe con giun to bự đang cầm trên tay, khi tự thân hoàn thành một tấm puzzle, hoặc khi chăm chú ăn hết sạch cơm cùng đồ ăn trong bát… Khi đó, thay vì khen con qua loa, đại loại như “Con giỏi quá!”, “Con hay thế!”, vợ tôi sẽ cố gắng bắt đúng cảm xúc của cu cậu hiện tại và hưởng ứng nó: “Ôi con giun to bự mà Mỡ vẫn không sợ à?”, “Con tự ghép Puzzle mà không cần mẹ giúp luôn à?”, “Hôm nay con ăn cơm rất tập trung đúng không? Con thấy cơm hôm nay có ngon không Mỡ?”. Tôi để ý rằng nếu được hưởng ứng theo kiểu gợi mở như vậy, cu cậu sẽ rất chi là khoái chí, và thường sẽ tự chia sẻ thêm một vài cảm xúc của cu cậu lúc đó nữa. Tuyệt vời hơn, dư âm và tác dụng của những lời khen đó còn kéo dài đến những lần chơi puzzle hay ăn cơm sau đó nữa cơ.
Nhớ lại, cũng một lần cũng ăn cơm như thế, hôm đó có món canh cua rất ngon, nên tôi đã cố gắng ép cu cậu ăn cho bằng hết chén canh, miệng thì luôn khen “bạn Mỡ ăn giỏi quá, giỏi quá!”. Anh chàng cũng cố gắng ăn cho bằng hết, nhưng vẻ mặt thì không happy tẹo nào, và lặng lẽ không nói lời nào cả. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ tôi thử nhắc lại lời khen: “Hôm nay Mỡ giỏi quá, ăn hết một chén canh to bự”. Nhưng thay vì khoái chí vì được khen, cụ cậu lại tỏ thái độ phản đối: “Nhưng con không thích, canh cua không ngon!”. Rồi cu cậu ôm gối, quay lưng lại phía tôi, thay vì vui vẻ ríu rít nói chuyện và nghịch nghịch hàm râu của ba như mọi khi…
Từ lần đó, với anh Mỡ, khi con không nói “Nhìn này”, tôi dặn lòng cố gắng sẽ không bao giờ đưa ra lời khen nào cả.


Có một sai lầm bản thân tôi đang mắc phải, đó là: sự không rạch ròi giữa khen ngợi và giáo điều. Thực tế thì trong rất nhiều hoàn cảnh, hai điều này lại mang một ý nghĩa tương tự nhau. Khi nhận xét: Cái đó “hay đấy”, “đẹp đấy”, “tốt đấy”, giỏi đấy”… Nhưng có vẻ như hàm ý của tôi ở đây chính là nếu không phải cái đó thì sẽ là “không hay”, “không đẹp”, “không tốt”, “không giỏi”???!!! Phải chăng nó vô tình là tiêu chuẩn mà ở đó tôi đã không chấp nhận đối tượng, sự việc như là nó vốn có, mà phải là một thứ gì đó diễn ra đúng như bản thân đang mong đợi?! Khi nhận xét: “Con mặc cái áo này đẹp quá đi mất”, thực ra tôi lại đang muốn nói với con rằng “con chỉ nên mặc chiếc áo đó thôi, không nên mặc cái khác, vì cái khác thì không đẹp” (theo mắt thẩm mỹ của cá nhân tôi, không phải của con). Hay khi khen: “Con ăn hết cơm trong chén rồi, con thật giỏi!”, thực ra hàm ý ở đây chính là con phải ăn hết cơm trong chén, không cần biết cơm ngon hay dở, và dù là con đang đói hay là no?!

Khen – đương nhiên rất là tốt rồi. Giữa khen ngợi và chê bai thì chắc chắn điều 1 luôn là tích cực hơn cả. Tuy nhiên, để khen ngợi trở thành sự khích lệ con trẻ – không chỉ về một hành động nhãn tiền đúng đắn – mà xa hơn làm sao có thể khuyến khích con đối thoại, khơi gợi con nói lên suy nghĩ trong đầu mình, thì sẽ là điều tuyệt vời nhất. Nó sẽ giúp con cơ hội phát triển khả năng giao tiếp, năng lực trình bày và tư duy phản biện – những thứ mà bản thân người làm ba mẹ như tôi vẫn đang thiếu trầm trọng.
Nên tôi phải luôn dặn lòng rằng bản thân cần cố gắng gạt bỏ tư tưởng giáo điều, bề trên khi khen ngợi con bất kỳ điều gì. Và lời khen phải thật chắt chiu, đúng lúc, đúng chỗ. Nhưng, sao mà khó quá đi thôi!

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ