Tập trung làm việc – Dễ hay khó?!

Tập trung làm việc - Dễ hay khó?!
Tập trung làm việc - Dễ hay khó?!

Có một giai đoạn tôi không tài nào hoàn thành được bất kỳ một bài blog nào đúng hẹn cả, mặc dù bản thân tự nhận rằng mình cũng là người có khả năng viết tương đối tốt. Nhiều lúc ngồi đợi đón con, khi nhâm nhi ly cafe buổi sáng hay những lúc tranh thủ đọc vài trang sách trước khi vào giờ làm việc, biết bao ý tưởng viết lách cứ tuôn chảy trong đầu khiến tôi chỉ muốn được ngồi ngay vào máy tính để gõ tất cả những điều đó ra. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Khi ngồi vào bàn và mở máy lên, như một thói quen bản thân lại click vô định vào những đường link đã đặt sẵn trên bookmark như facebook, instagram, twitter… Thêm vào đó các ứng dụng OTT trên máy (như whatsapp, viber, zalo…) cũng tự động pop-up ra muôn vàn notification, những tin nhắn từ hàng chục groups đổ về hàng loạt. Tôi đắm chìm trong ma trận thông tin đó khi nào không hay biết. Tới lúc giật mình nhìn lại thì ôi thôi bản thân đã tiêu tốn gần một tiếng đồng hồ cho những dòng news feed vô thưởng vô phạt, những thông tin và phản hồi trong vô thức, những tranh cãi không đáng có, và cả những chuyện bực mình. Tôi vội vã mở Notion lên để bắt tay ngay vào bài viết còn dang dở của những ngày hôm trước. Nếu may mắn, tôi sẽ có thêm tầm ba mươi phút nữa tập trung cho việc viết lách này, tuy nhiên bao ý tưởng nắm bắt được trong đầu trước đó bỗng lang thang đi đâu mất, rất khó khăn để có thể sắp xếp chúng lại với nhau, và thể hiện ra câu chữ. Thay vào đó là lảng vảng trong đầu rất nhiều thông tin mình vừa nạp vào lúc nãy. Sau một khoảng thời gian nữa khổ sở loay hoay ném chúng ra khỏi đầu thì cũng là lúc bé nhỏ khóc đòi bế, vợ gọi nhờ giúp việc này việc kia, rồi bé lớn mè nheo đòi có người chơi cùng… Tôi đành ngậm ngùi gấp máy tính lại, nhủ lòng ngày mai sẽ cố gắng tập trung viết tiếp… Và rồi câu chuyện cứ thế tiếp diễn, có khi một bài blog tôi phải mất hơn 3 tuần nhưng mãi vẫn chưa xong.


Thực tế thì, câu chuyện trì hoãn lần nữa tới ngày hôm sau này cũng lặp lại trong rất nhiều công việc hằng ngày của bản thân tôi, không chỉ trong việc viết blog. Nếu như một việc nào đó deadline dài hơi một tí thì cứ như rằng phải sát đến ngày cần hoàn thành tôi mới thực sự đổ sức vào để làm trối chết cho kịp xong, bằng không thì nó cũng giống như câu chuyện viết blog tôi vừa kể ở trên vậy. Mở máy tính lên → lướt mạng xã hội → Check và phản hồi tin nhắn OTT → thi thoảng kiểm tra thị trường (coin, chứng khoán…) → Sau hàng loạt các thủ tục vô thức đó xong thì mới tới lúc bản thân uể oải bắt tay vào việc, và được tầm mươi phút thì mệt mỏi đóng nó lại, để dành cho ngày hôm sau…
Thói quen này thực sự toxic và nó khiến cho biết bao nhiêu công việc của bản thân bị trì trệ. Thời gian mình làm việc bị ảo tưởng là quá nhiều, nhưng thực sự khoảng thời gian chất lượng thì rất ít. Dẫu bản thân nhận thức được điều này từ lâu rồi, tuy nhiên để vượt qua và thay đổi nó là một chuyện không hề dễ dàng chút nào.

Cuối cùng, tôi cũng phải hạ quyết tâm thay đổi thói quen xấu xí này bằng mọi giá, để bản thân có thể nâng cao hiệu quả trong công việc, và đặc biệt là sử dụng thời gian một cách chất lượng. Có một điều nữa cũng cần phải nói ra ở đây rằng tôi vẫn luôn tâm niệm: bản thân mình là một người ba của hai đứa con nhỏ đang giai đoạn dưới 6 tuổi, nên thời gian dành cho con cái là khoảng thời gian quan trọng nhất. Tuy nhiên thực tế tôi đã không làm được như vậy. Một khi không sử dụng thời gian hiệu quả, công việc trì trệ thì làm sao có thể có thời gian dành cho con cái được, hơn nữa nếu ở bên con với những công việc dang dở trong đầu, chắc chắn tôi không thể có được khoảng thời gian chất lượng dành cho con mình. Và điều này càng tai hại hơn gấp nhiều lần.
Sau nhiều ngày lục lọi trên internet, chui vào các ngõ ngách, các channel phát triển bản thân, cuối cùng tôi cũng tìm ra được 1 keyword tuyệt vời, đó là “Flow State”. Lý thuyết này thực sự đã thay đổi cách thức tôi làm việc và kết quả tôi nhận được là ngoài mong đợi của bản thân.

Trước khi đi sâu vào Flow State, bạn hãy cùng tôi dừng lại ba mươi giây để ngẫm một chút về gameshow truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, chắc có lẽ chúng ta ai cũng ít nhất đã xem qua một lần gameshow này rồi đúng không nào? Tuy nhiên, có khi nào bạn tự đặt ra câu hỏi tại sao chương trình này lại chia ra thành 4 phần thi bao gồm: Khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích hay không?

Lý thuyết về Flow State được 1 tiến sĩ tâm lý tích cực người Mỹ (gốc Hungary) có tên là Mihaly Robert Csikszentmihalyi đưa ra, và cho đến ngày nay, nó đã được chứng minh là một lý thuyết đúng đắn. Nếu biết áp dụng một cách triệt để, lý thuyết này sẽ mang lại cho tất cả chúng ta sự tập trung và hiệu quả trong công việc.
Thực tế thì nếu chỉ cần google với keyword Flow State, bạn sẽ tìm thấy hàng trăm bài viết xoay quanh chủ đề này. Bạn hoàn toàn có thể tự research và vạch ra một phương pháp ứng dụng phù hợp nhất cho riêng mình. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn gợi ý với các bạn một keyword như vậy, cũng như chia sẻ cách ứng dụng và trải nghiệm của riêng bản thân tôi sau khi tự tìm tòi và hệ thống lại thành một phương pháp cho riêng mình, và thực sự tôi đã thu được những kết quả ngoài mong đợi từ đó. Hy vọng các bạn cũng sẽ bắt được keyword này giống như tôi.

Để áp dụng lý thuyết Flow State, tôi đã chia ra thành 6 bước chính như sau:

Bước 1: Xác định thời điểm mình có thể đạt được Flow State trong ngày, đối với bản thân tôi là hai thời điểm như sau:
8h-9h sáng, sau khi hoàn thành tất cả các công việc thuộc về trách nhiệm buổi sáng như thiền định, tập thể dục, gọi con dậy, cho bọn trẻ đánh răng, ăn sáng, cho quần áo vào máy giặt, đưa con đi học… Tôi sẽ có khoảng thời gian một tiếng đồng hồ (vì công ty tôi bắt đầu làm việc từ lúc 9h sáng).
Thời điểm thứ 2 là sau giờ ăn trưa (từ 12h30 đến 13h30), trước khi bắt đầu vào thời gian làm việc buổi chiều.


Bước 2: Xác định những công việc quan trọng nhất cần hoàn thành trong ngày, và sẽ làm công việc này vào thời điểm Flow State mà mình đã tìm được ở bước 1. Như tôi đó là 2 việc quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, viết bài cho blog Ba của Con và xây dựng mô hình Business Online cho một ngách sản phẩm liên quan đến Relationship ở thị trường nước ngoài.


Bước 3: Chọn chỗ làm việc thật thoải mái và yên tĩnh. Cái này thì bản thân mình tự sắp xếp thôi. Bản thân tôi nếu ở cty thì tôi sẽ ghé Highlands ở tầng trệt, chọn 1 góc yên tĩnh và action. Còn nếu ở nhà thì sẽ là góc làm việc tôi đã setup sẵn. Với tôi, việc setup một góc làm việc gọn gàng, tiện nghi cũng là một sở thích, và tôi cũng thường xuyên thay đổi, sắp xếp lại để có thêm cảm hứng mỗi khi bắt tay vào làm một công việc gì đó. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một bài viết về việc setup góc làm việc cho riêng mình vào một bài viết nào đó sắp tới đây. Tuy nhiên cốt lõi ở đây là một chỗ ngồi làm việc thoải mái, gọn gàng, sạch sẽ sẽ giúp mình đi vào trạng thái Flow State nhanh hơn.


Bước 4: Loại bỏ tất cả những yếu tố gây nhiễu tối đa có thể. Đó là điện thoại, những ứng dụng mạng xã hội, những notification từ email, sàn coin, chứng khoán, những ứng dụng OTT như whatsapp, viber, zalo… thực ra nó là những kẻ cắp thời gian của chính bản thân bạn thôi. Có một sự thật rằng, việc phản hồi các tin nhắn đó trễ đi 1 tiếng đồng hồ thực tế cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả. Nếu ai đó có việc gì cần kíp, họ sẽ nhấc điện thoại lên gọi cho bạn ngay. Những application có notification, hãy tắt hết nó đi trong khoảng thời gian bạn muốn đạt được Flow State.


Bước 5: Sử dụng một chiếc đồng hồ Pomodoro và set thời gian đếm ngược, tùy theo khoảng thời gian mà bạn có thể dành ra cho công việc này (như bản thân tôi là 50 phút). Nếu ko có đồng hồ vật lý, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một ứng dụng Pomodoro trên điện thoại hay máy tính để làm việc này.


Bước 6: Cuối cùng là bắt tay vào công việc đã lên kế hoạch trước thôi. Theo lý thuyết của Mihaly Robert Csikszentmihalyi, một người bình thường khi bắt tay vào một công việc nào đó sẽ phải mất khoảng thời gian từ 15 đến 30 phút để có thể đạt được Flow State. Và khi rơi vào trạng thái này rồi, bạn sẽ đạt được sự tập trung cao độ, hiệu quả công việc đạt được là tốt đến không thể ngờ. Thực tế bản thân tôi cũng đã trải nghiệm và xác nhận như vậy. Đơn cử như việc viết blog này thôi, khi ngồi vào bàn và bắt đầu viết, thời điểm ban đầu câu chữ hiện ra rất khó khăn, nhưng sau khi gõ được tầm 20 phút thì câu chữ tuôn trào rất nhanh, tới khi đồng hồ reo báo hiệu thời gian kết thúc thì tôi mới giật mình khi thấy số lượng từ mình viết được đã vượt ra ngoài mong đợi tự khi nào.

Quay lại câu chuyện về gameshow đường lên đỉnh Olympia tôi có nhắc đến lúc nãy, chắc chắn không phải tự nhiên mà người ta đặt ra 4 phần thi như vậy. Và ngay cả những người tài năng như những vận động viên leo đỉnh Olympia vẫn cần phải vượt qua 2 phần thi ban đầu đầy khó khăn là khởi động và vượt chướng ngại vật, sau đó mới có thể đến phần thi tăng tốc, thì bản thân chúng ta – là những con người bình thường – chắc chắn không thể nào tránh khỏi quy luật trên được. Vì vậy hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về lý thuyết Flow State, xây dựng cho mình một nguyên tắc làm việc hợp lý và thực hành nó, chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả ngoài mong đợi.
Có một ý nhỏ nữa tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng, dù bạn tìm thấy bất kỳ lý thuyết hay phương pháp nào tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa, để nó có thể được ứng dụng hiệu quả và đi vào đời sống thì có một điều chắc chắn là nó cần phải được trải nghiệm và thực hành, đủ lâu và đủ sâu. Và Flow State cũng vậy. Hãy thực hành nghiêm túc để nó có thể trở thành thói quen, tới khi đó thì bạn mới cảm nhận được hiệu quả thực sự. Bản thân tôi, sau khi thực hành phương pháp này liên tục 1 tháng thì mới thực sự cảm nhận được hiệu quả và lợi ích mà mình gặt hái được. Những bài blog tôi hoàn thành rất nhanh theo đúng deadline mình đặt ra (2 bài một tuần). Công việc ngách Relationship cũng đạt được những bước tiến nhảy vọt, bản thân mình có nhiều thời gian cho con cái hơn – và đó là những khoảng thời gian chất lượng – khi trong đầu không còn lảng vảng những lo lắng về những công việc chưa hoàn thành nữa.
Tôi xin kết thúc bài viết của mình ở đây, với một keyword muốn gửi gắm lại các bạn – đó là Flow State. Hy vọng các bạn sẽ luôn đạt được Flow State trong bất kỳ những việc nào mà mình muốn làm, và chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự hiệu quả đến không ngờ. Tin tôi đi, hãy khám phá và enjoy nó.

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ