Ngoại có buồn con không?!

Nhớ Ngoại
Nhớ Ngoại

Tuần này, gia đình tôi đang về chơi Tết cùng ông bà nội – vùng quê nghèo đất đỏ bazan, mùa nắng đầy bụi, mùa mưa lầy lội, đất đỏ nhuộm da người.

Sáng nay, ngồi hì hục giặt đồ cho 2 con, những vệt đất đỏ bám đầy vạt áo trắng khiến tôi phải mất khá nhiều thời gian mới làm sạch được nó. Bất giác, tôi bồi hồi nhớ lại ngày nhỏ, những ngày tôi đến trường, cũng trên những cung đường đất đỏ như vậy. Ngày đó, mùa nắng cũng như mùa mưa, những bộ đồng phục quần xanh áo trắng vẫn đồng hành cùng tôi đến lớp. Và những chiếc áo trắng – vẫn luôn được ông ngoại giặt sạch tinh tươm. Dù cho nó có bị vấy bẩn đến đâu, thì qua bàn tay của ông, chiếc áo tôi mặc vẫn trắng tinh như mới.

Ông bà ngoại tôi có mỗi một người con gái là mẹ, nên tôi nghiễm nhiên hưởng trọn tình yêu thương của ông bà, đặc biệt là ông. Tôi ngủ với ông từ năm 2 tuổi, ông chăm cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, giặt cho tôi từng cái áo, đôi giày, rồi đưa đón tôi đi học… Tình yêu thương ông ngoại dành cho tôi là một tình yêu thương bao bọc – theo đúng nghĩa.

Thuở nhỏ, mỗi vết trầy nơi đầu gối khi tôi vô tình vấp ngã – dù to hay nhỏ – cũng làm ông xót xa. Những hôm tôi bị điểm kém cũng khiến ông thở dài không buồn cơm nước. Nhớ những ngày đầu đến trường, ông cứ đứng ngoài cửa sổ xem tôi học, nhất định không chịu về, vì sợ tôi bị bạn bè chọc ghẹo. Lớn hơn một chút, ông cũng không bao giờ cho phép tôi tự do được chơi những trò đuổi bắt, trèo đèo, tắm suối với lũ bạn – vì nó tiềm ẩn những nguy cơ. Mãi đến những năm cấp 3, trường học ở xa, ông không đủ sức đèo tôi đi học bằng xe đạp nữa, nhưng theo yêu cầu của ông thì ba tôi phải đưa đón tôi đi về những buổi học tối, nhất định tôi không được tự đi một mình.


Có một lần tôi bị xe đụng, chiếc xe đạp biến dạng cong queo như một đống sắt. Ba tôi muốn vứt nó đi, cũng là để quên nó đi, nhưng ông vẫn khăng khăng mang về lau chùi cẩn thận, rồi treo lên giàn chuồng bò, như để lưu giữ lại một sự kiện khắc cốt trong đời. Chuyện này dằn vặt ông bao nhiêu năm tháng, tới khi tôi học xong đại học, đi làm, rồi lấy vợ, thì ông vẫn còn nhắc lại. Rằng ngày đó nếu ông chở tôi đi học, thì tôi đâu có bị xe đụng, thì ông đâu phải ăn năn…

Nhưng ông ngoại ơi, ông đâu có chở con đi mãi suốt cuộc đời này được? Ý tôi muốn nói là, trong thẳm sâu tâm tư, tôi chưa bao giờ thoải mái với một tình yêu thương bao bọc như thế.

Không thể phủ nhận rằng, cùng với tình yêu thương bao bọc che chở như vậy, tôi đã lớn lên, thật ngoan và thật hiền, đúng theo mong mỏi của ông, và cũng đúng với khuôn mẫu của một nền giáo dục suốt 12 năm mà tôi đã trải qua trong nhà trường – một nền giáo dục với đích đến là sản sinh ra những đứa trẻ ngoan hiền đúng nghĩa.

Khi trưởng thành hơn một chút, va vấp nhiều hơn một chút, đã có một khoảng thời gian dài tôi thầm trách ngoại, thầm trách tình thương bao bọc đó đã không cho tôi có được nhiều cơ hội để trải nghiệm như đám bạn cùng trang lứa. Tôi đã luôn nghĩ chính tình yêu thương bao bọc đó là nguyên nhân cốt tủy khiến tôi không ít lần bị xô ngã khi bước ra cuộc đời đầy sóng gió ngoài kia, khi mà vòng tay ngoại, vòng tay gia đình, khi những lũy tre mái đình làng quê nghèo khó không đủ sức che chở cho tôi.

Bây giờ, tôi đã là ba của 2 đứa con. Những lần về quê ngắn ngủi, tôi cố gắng đặt mình vào đúng hoàn cảnh của ngoại ngày xưa, trải nghiệm và suy ngẫm, để thấu hiểu… Và không biết tự bao giờ, tôi đã thực sự hối hận vì đã từng trách ngoại, hối hận vì đã không ít lần muốn chối bỏ tình thương yêu bao bọc của ông ngày nào.
Trải nghiệm và suy ngẫm, để tôi có thể hiểu ra rằng, có những vấn đề thuộc về ý thức hệ, là hoàn cảnh lịch sử, là văn hóa, là môi trường, là hệ quả của cả một nền giáo dục. Trong những điều kiện và hoàn cảnh như vậy, những con người luôn giữ được tình thương vô bờ bến cho con cháu – thì phải xứng đáng được trân quý và tôn thờ. Tình thương đó, không nên mang ra để cân đo, đong đếm thiệt hơn và phán xét. Thay vì đổ lỗi hay trách móc, hãy dồn tất cả năng lượng và trăn trở cho thế hệ con cháu hiện tại của chúng ta, để góp những cánh tay nhỏ cùng làm nên những thay đổi tích cực và ý nghĩa, âu mới là việc nên làm.

Chiều nay, tôi chở con đi thắp cho ngoại nén nhang, cũng đã lâu lắm rồi tôi không vào mộ thắp nhang cho ngoại. Những giọt nắng chiều hắt qua rừng cao su ánh lên một màu bụi đỏ của vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, bất giác tôi nhớ da diết hình ảnh ngoại thấp thoáng xa xa, thong dong lùa đàn bò đang gặm cỏ về nhà. Chiếc xe đạp đầu tiên tôi cưỡi, chiếc máy tính đầu tiên tôi dùng, cả những bộ đồng phục áo trắng quần xanh ngày nào cùng tôi đến trường, cũng là có được từ đàn bò của ngoại. Vậy mà, đã không ít lần tôi chối bỏ tình yêu thương bao bọc đó… Ngoại ơi, ngoại có buồn con không?!

Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ