Đã rất nhiều năm sau đó, tôi vẫn không thể nào quên khoảnh khắc chào đón anh Mỡ đến với thế giới này. Đó là khoảnh khắc gia đình chúng tôi nghe được tiếng khóc oa oa to vang khắp hành lang bệnh viện. Thời khắc đó, mọi người trong nhà cùng nhìn nhau, ánh mắt vỡ òa niềm hạnh phúc khôn tả. Nơi cửa phòng mổ, cô y tá hộ sinh bước ra, gật đầu mỉm cười với chúng tôi, và cô còn nói: “Con trai gì mà khóc to dễ sợ, cái nết khóc chẳng giống ai, sau này lì phải biết đấy.”
Thực tình thì thời điểm đó, tôi chỉ mong được gặp hai mẹ con thôi, nên cũng không quan tâm mấy đến câu nói kia cả. Nhưng rồi sau đó, khi bình tâm lại, bất giác tôi tự hỏi: “Có thể nào con mình sẽ là đứa hay khóc, lì lợm chẳng giống ai không nhỉ?” Về bản chất, đó chỉ là một câu nói vu vơ – của một người không quen biết. Một sinh linh bé nhỏ vừa mở mắt chào cuộc đời, cất tiếng khóc như một âm thanh báo hiệu sự hiện diện của mình với cả thế giới, như trăm nghìn đứa trẻ khác cũng ra đời cùng thời điểm đó. Lẽ nào chỉ từ một tiếng khóc lại có thể tiên đoán được cả tương lai của con?!
Tuy nhiên, trong những năm đầu đời, những khi vợ chồng tôi phải vật vã hằng đêm khi con cứ khóc thét từng cơn không chịu ngủ (dân gian gọi là khóc dạ đề), mỗi khi nó khóc rống lên nếu không được đáp ứng yêu cầu ngay tức thì (đòi ẵm bồng, đòi bánh kẹo, đòi đồ chơi…), những lúc con cứng đầu không chịu làm theo những yêu cầu của người lớn (không chịu ăn, không chịu tắt tivi, không chịu chào người lạ…), bất giác trong suy nghĩ của tôi, câu nói năm nào của cô y tá kia lại quay trở về. Có thể cô ấy nói đúng, con mình là một đứa có cái nết chẳng giống ai, quả thực là nó lì và khó bảo hơn hẳn nhiều đứa trẻ khác.
Đọc sách, tham gia những workshop, nhiều khóa nuôi dạy con, tôi hoàn toàn ý thức được tác hại của việc dán nhãn con trẻ từ người lớn. Chúng ta đã được cảnh báo rất nhiều về mối nguy hại của việc tiên đoán, quy chụp, kết tội các con – khi chúng đang trong độ tuổi hình thành nhân cách. Nếu bạn dán nhãn con mình là một đứa rụt rè, thì xác suất nó trở thành một đứa trẻ nhút nhát sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu bạn cứ lặp lại rằng con mình là một đứa chậm hiểu, không tập trung, rất có thể nó sẽ bắt đầu cảm thấy bản thân mình đúng là một con người như vậy, và tự coi chuyện đó là hiển nhiên rất bình thường. “Bằng mọi giá, tuyệt đối không bao giờ được dán nhãn cho con”, tôi vẫn luôn thầm nhắc nhở mình như vậy. Tuy nhiên thực tế thì ý nghĩ về việc anh Mỡ là một đứa hay khóc, lì lợm, khó bảo vẫn cứ lảng vảng trong đầu tôi, trong một khoảng thời gian dài…
Thử nghĩ về một tình huống như thế này:
Một buổi sáng, bạn đi uống cà phê cùng vài gia đình khác, đều có con nhỏ trạc tuổi nhau (3-4 tuổi). Những đứa trẻ ban đầu cùng chơi rất hòa thuận, nhưng rồi bạn nghe có tiếng khóc la chí chóe. Hai đứa nhỏ đang tranh nhau một chiếc ô tô, một trong hai đứa là con bạn, và chiếc ô tô kia là của con bạn. Rất có thể bạn sẽ ép con mình nhường chiếc ô tô cho bạn kia, kèm theo vài câu nhắc nhở con đại loại như: “Con không được ích kỷ như vậy, mình phải chia sẻ đồ chơi cho người khác chứ!”. Thằng con bạn rồi sẽ nhường, theo yêu cầu của bạn. Khoan hãy bàn đến hành động ép con nhường đồ chơi là sai hay đúng, chúng ta chỉ đang tập trung vào những từ ngữ bạn đang gieo vào đầu con mình.” Ích kỷ”, “không chia sẻ”, những tính từ này – liệu có nặng nề quá chăng?!
Ôm cục ngậm ngùi đó về nhà, thằng con thấy ấm ức. Thế rồi đồ chơi, đồ ăn nó khư khư giữ cho riêng mình, không chia sẻ cho bất kỳ ai. Có thể nó làm vậy cho bõ tức, cũng có thể nó sợ nếu không giữ kỹ thì lại bị ép phải nhường. Và vô tình ông bà, ba mẹ lại tiếp tục ra rả: Con phải biết nhường nhịn chứ, sao con ích kỷ vậy, bla bla…
Buổi chiều hôm sau, khi đón con ở trường, bạn nhận được complaint từ cô giáo chủ nhiệm, rằng con mình lại tranh giành đồ chơi với các bạn trong lớp. Cô đã phạt con ngồi vào chiếc ghế bình tĩnh ở góc phòng, đã giảng giải cho con nghe rằng ích kỷ là một thói xấu, con cần phải chia sẻ, nhường nhịn, dung hòa với bạn bè xung quanh, vân vân và mây mây… Ôi…!
Dần dà, từng chút một, đứa bé rồi sẽ tự gán mình với một vai trò mà con đã được dán nhãn mỗi ngày như thế. Rốt cuộc nếu tất cả mọi người đều gọi con là ích kỷ, thì cơ hội nào cho con được thoát ra khỏi nhãn mác đó đây?!
Có thể bạn sẽ có suy nghĩ rằng: Nếu chúng ta chỉ nghĩ con là đứa ích kỷ, để cố gắng giúp con điều chỉnh hành vi, chúng ta sẽ không bao giờ nói cho con nghe điều đó, thì chẳng phải là rất tốt hay sao?!
Liệu những suy nghĩ ám thị như vậy luôn thường trực trong đầu của ba mẹ có ảnh hưởng gì đến cái cách mà trẻ tự suy nghĩ về bản thân của chúng hay không?! Bạn hãy thử tìm một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại, tưởng tượng về 3 tình huống dưới đây nhé!
Tình huống #1: Bạn là một thằng bé 5 tuổi. Một buổi sáng cuối tuần, bạn thấy ba mua hai cái cây về nhà, đang chuẩn bị xới đất và trồng cây vào chậu. Ngay lập tức, bạn đòi ba cho mình cùng làm việc đó.
Ba: Con đã ăn sáng chưa, đã dọn dẹp đồ chơi chưa?
Bạn: Rồi ạ! Và tiếp tục đòi ba cho mình cùng làm.
Ba: Con ăn hết đồ ăn trong chén chưa, đồ chơi con dọn dẹp gọn gàng chưa?
Bạn: Con ăn hết rồi mà, con dọn dẹp rồi.
Ba: Để lát ba kiểm tra xem thế nào.
Bạn: Nhưng con muốn làm cùng ba!
Ba: Con cứ đứng đó xem ba làm nhé, con còn nhỏ, chưa làm được đâu. Sau này lớn lên rồi con sẽ làm.
Theo bạn thì ba đang nghĩ bạn là người thế nào?
Với những suy nghĩ đó của ba, bạn cảm thấy/suy nghĩ như thế nào về bản thân mình?
Tình huống #2: Tương tự như vậy, bạn là một thằng bé 5 tuổi. Một buổi sáng cuối tuần, bạn thấy ba mua hai cái cây về nhà, đang chuẩn bị xới đất và trồng cây vào chậu. Ngay lập tức, bạn đòi ba cho mình cùng làm việc đó.
Ba: Con không còn gì khác để làm à?
Bạn: Chợt thấy là ba quên chưa lấy chiếc bay để xới đất, thế là bạn nhanh nhảu chạy vào nhà mở tủ lấy nó và đưa ngay cho ba.
Ba: Cẩn thận, con vừa cầm bay vừa chạy rất nguy hiểm. Để đó lát ba tự lấy được.
Bạn: Ba ơi, con muốn làm cùng.
Ba: Con phiền quá, để ba làm nhanh cho xong rồi lát ba chơi với con.
Bạn nài nỉ: Con chỉ muốn giúp ba xới đất một chút thôi.
Ba: Ba tự làm được, con lại sẽ bày ra rồi mất công ba dọn thôi.
Bạn tiếp tục nài nỉ: Nhưng con muốn làm…
Ba (lắc đầu ngao ngán): Thôi được, con xới một chút đi cho vừa lòng, xong rồi trả cái bay để ba làm cho nhanh nào!
Theo bạn thì ba đang nghĩ bạn là người thế nào?
Với những suy nghĩ đó của ba, bạn cảm thấy/suy nghĩ như thế nào về bản thân mình?
Tình huống #3: Lại là thằng bé 5 tuổi. Một buổi sáng cuối tuần, bạn thấy ba mua hai cái cây về nhà, đang chuẩn bị xới đất và trồng cây vào chậu. Ngay lập tức, bạn đòi ba cho mình cùng làm việc đó.
Bạn: Con muốn giúp, con muốn làm cùng ba!
Ba: Ok, nếu con sẵn sàng.
Ba nói tiếp: Con ngồi xuống đây, giúp ba xới đất nhé.
Bạn: Nhưng cái bay đâu ạ?
Ba: Thôi chết, ba quên mất, con có thể vào tủ lấy ra giúp ba được không?
Bạn: Ok!
Ba: Cám ơn con trai, lần sau khi cầm các vật sắc nhọn thì mình có nên chạy không nhỉ?
Bạn: Không ạ!
Rồi bạn bắt đầu xới đất, ba thì lấy hai cái cây ra khỏi cái chậu cũ, cùng bạn xới đất, cho đất vào chậu mới, công việc tiếp diễn như vậy đến khi hai ba con cùng tưới nước cho hai chậu cây mới.
Bạn: Xong rồi, chúng ta đã hoàn thành việc trồng cây cùng nhau, yeah!
Ba: Con đã giúp đỡ ba rất nhiều đấy, có người làm cùng thật là vui con trai ạ!
Theo bạn thì ba đang nghĩ bạn là người thế nào?
Với những suy nghĩ đó của ba, bạn cảm thấy/suy nghĩ như thế nào về bản thân mình?
Đôi khi, chỉ từ một ánh nhìn, một câu nói thôi nhưng ngay lập tức con sẽ ý thức được rằng mình là một kẻ ngốc nghếch vô dụng, một kẻ phiền phức đầy rắc rối, hay là một đứa trẻ đáng yêu, có khả năng làm được nhiều việc hữu ích, biết giúp đỡ mọi người. Một ánh nhìn, một câu nói có thể bộc phát trong vài giây, nhưng trực giác của con đủ mạnh để nắm bắt nó ngay tức thì. Trong mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái, khi từng khoảnh khắc như vậy được cộng dồn, lũy kế mỗi giờ, mỗi ngày, và nhiều năm tháng sau đó, bạn sẽ giật mình nhận ra rằng trẻ con sẽ bị ảnh hưởng bởi cái cách ba mẹ nhìn nhận về chúng sâu sắc như thế nào.
Ý tôi muốn diễn giải ở đây là, đừng vô tình hay cố tình dán nhãn con, dẫu cho những nhãn mác đó chỉ là tồn tại trong suy nghĩ, dẫu rằng chúng ta chưa bao giờ gọi tên nó rõ ràng trước mặt các con của mình. Chính những suy nghĩ thường trực luôn hiện hữu trong đầu về một vai trò, một yếu điểm hay một thiếu sót nào đó của con, sẽ vô tình được thể hiện ra bên ngoài, thông qua một ánh nhìn, một cái chau mày, hay những câu từ bộc phát. .. Nó sẽ tác động sâu sắc đến cái cách mà con sẽ nghĩ về bản thân mình, đến cảm xúc của con, để rồi từ đó quyết định hành vi, cách ứng xử của con trong cuộc sống này.
Nhìn ra xung quanh, có lẽ tôi cũng không hề đơn độc. Đâu đó xung quanh mình, mỗi ngày, bạn sẽ thường nghe những câu từ đại loại như:
– “Thằng anh hiền, nhưng con em thì hung phải biết, sau này chỉ có bắt nạt anh thôi!”
– “Thằng nhóc sau này lớn lên chắc chỉ làm luật sư là giỏi thôi, suốt ngày biện luận và lý sự.”
– “Ôi, mua đồ chơi cho thằng phá hoại đó chỉ tổ tốn tiến thôi, chưa được 30 phút là tanh bành hết cả.”
– “Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện mua sách cho nó, nó chỉ có quăng và xé chứ đọc gì!”
– “Con thật là bừa bộn!”
– “Con thật là nhát, có gì đâu mà phải sợ?!”
Blah blah…
Những đứa trẻ này, sẽ đón nhận những nhãn mác, những vai trò mà chúng được gán vào ngay từ khi còn bé tí như thế nào đây?! Theo năm tháng, rồi đây chúng sẽ là những vết sẹo hằn sâu trong tiềm thức, không dễ gì chữa lành được. Hãy cố gắng để con cái không bị kẹt cứng trong những vai trò, những vai diễn mà người lớn đã vô tình và hữu tình gán vào con, không chỉ trong lời nói, mà còn trong những suy nghĩ của chúng ta hằng ngày.
Đây quả thực là nhiệm vụ không hề dễ dàng chút nào!
Be Daddy – Be Happy | Nhật Võ